Check in ngay 15 địa điểm du lịch ấn tượng khi đến Miền Tây
Miền Tây hay là miền Tây Nam Bộ là cách gọi quen thuộc, dân dã của người Việt Nam về vùng đồng bằng sông Cửu Long hay vùng đồng bằng sông Mê Kông. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên thanh bình, với những cánh đồng lúa mênh mông, những con sông trĩu nặng phù sa, những vườn trái cây trĩu quả, văn hóa đặc sắc và người dân mộc mạc, chất phác du lịch Miền Tây luôn là điểm đến yêu thích của khách trong và ngoài nước.
Cánh đồng quạt gió - Bạc Liêu
Là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng Bạc Liêu là điểm đến ít được khách du lịch chú ý, nhiều người biết đến Bạc Liêu chủ yếu bởi các giai thoại xoay quanh nhà “Công tử Bạc Liêu”, nhưng với việc nơi đây sở hữu cánh đồng quạt gió có quy mô lớn nhất Việt Nam cũng khiến bạn phải suy nghĩ đến một chuyến đi tới đây càng sớm càng tốt.
Từ thành phố Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu đi ra phía biển, ở địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông là Nhà máy điện gió. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến nhà máy khoảng gần 20km, nhưng từ cách xa cả chục cây số, bạn đã có thể nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Đây là điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ khi đến với Bạc Liêu.
Nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ
Là một trong ba ngôi nhà cổ nhất Tây Nam Bộ, nhà cổ Bình Thủy là điểm dừng chân tiếp theo của du khách tại Cần Thơ. Sở hữu sự nguy nga và lộng lẫy trong kiến trúc, nhà cổ Bình Thủy mang đến cho khách du lịch cảm giác “choáng ngợp” về sự bề thế.
Từ bên ngoài thì thiết kế của ngôi nhà mang kiến trúc Pháp song bên trong lại được xây dựng theo kiểu truyền thống, đậm nét phong cách gia đình Việt thời xưa. Nơi đây lưu giữ nhiều đồ vật quý giá nên nó là điểm du lịch lý tưởng mà nhiều người yêu thích.
Làng nổi Tân Lập Long An
Làng nổi Tân Lập hay còn gọi là rừng tràm Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Đây là một địa chỉ còn rất mới trên bản đồ du lịch, nhưng lại khá lôi cuốn du khách bởi họ đến đây để tìm cảm giác thư thái, đắm mình giữa thiên nhiên rừng tràm xanh ngắt cũng như trút bỏ những gánh nặng của cuộc sống nơi thành thị xô bồ.
Khu du lịch Cánh đồng bất tận – Mộc Hóa – Long An
Khu du lịch cánh đồng bất tận thuộc khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười tọa lạc tại xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Đây củng là phim trường của bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng bất tận thực sự là điểm dừng chân hấp dẫn, thú vị cho những ai đam mê khám phá thiên nhiên đa dạng vùng Đồng Tháp Mười và tìm hiểu về các loại dược liệu, sản phẩm quý dùng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành với ẩm thực sạch đúng nghĩa, tham quan nhà máy chế biến tinh dầu thảo dược và học cách chế biến tinh dầu…
Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, trở thành khu bảo tồn từ năm 1994. Đây là nơi có diện tích đất ngập nước lớn nhất của vùng Đồng Tháp Mười, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển (ramsar) thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới với hơn 232 loài chim với nhiều loại quý hiếm như công đất, giang sen, điên điển, cò quắm, cò thìa…, đặc biệt là sếu đầu đỏ – loài chim có trong danh sách đỏ thế giới về những loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu.
Nhà công tử Bạc Liêu
Với thiết kế theo phong cách Pháp và vật liệu chuyển từ Pháp sang, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ 20. Du khách đến đây ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, du khách còn có dịp nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ. Đây là một điểm đến mà bất cứ du khách nào tới Bạc Liêu đều muốn ghé tham quan.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang
Một Thiền viện mà du khách không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé đến Nam Bộ đó là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Tọa lạc tại ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang, thiền viện Chánh Giác được mệnh danh là “Tiểu Ấn Độ” giữa lòng Tiền Giang. Đến đây, du khách có thể tận hưởng cảm giác thư thái và đặc biệt ở đây có những góc chụp ảnh mê người.
Chùa Dơi, Sóc Trăng
Chùa Dơi tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng, với kiến trúc đẹp mê hồn, cảnh quan trong lành và điều kỳ lạ là hàng ngàn con dơi treo mình trên cây vào ban ngày trong khu vườn của chùa. Đường đến chùa Dơi đẹp và thơ mộng, ở đây còn có dịch vụ thuê xe đi thăm quan. Khách đến viếng chùa ngoài mục đích du lịch tâm linh còn để ngắm những con dơi khá lớn.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long
khi chúng ta đến với vũng đất Vĩnh Long, thì không thể nào quên ghé thăm Chùa Phật ngọc xá lợi. Đó chính là điểm văn hóa; du lịch tâm linh của khu vực Miền Tây Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc trên QL80, Tân Ngải, tỉnh Vĩnh Long. Chùa có ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây là một di tích lịch sử Phật giáo của vùng đồng bằng Sông Cửu Long do cố HT.Thích Thiện Hoa khởi xướng xây dựng từ năm 1970.
Làng Gốm Vĩnh Long
Nghề sản xuất gạch gốm ở Vĩnh Long tập trung tại huyện Măng Thít và Long Hồ, từ một làng nghề truyền thống đã nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Có đến Vĩnh Long mới thấy hết được sự kỳ diệu của đất và đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Gốm đất Vĩnh Long mang nét đặc trưng riêng có với màu đỏ tự nhiên nên được dân gian thường gọi là “Vương quốc đỏ”. Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách dòng Cổ Chiên, kéo dài 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, trên 1.000 lò gạch mọc lên như một thành phố cổ.
Làng du lịch cộng đồng Cánh đồng khóm Cầu Đúc – Hậu Giang
Làng du lịch cộng đồng cánh Cánh Đồng khóm Cầu Đúc (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh) là điểm đến mới lạ thích hợp với những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với đồng ruộng. Đến làng du lịch cộng đồng cánh đồng khóm Cầu Đúc bạn sẽ được bơi xuồng len lỏi trong vườn khóm xanh mát, cảm nhận được vẻ hoang sơ, nét độc đáo, bình dị và nên thơ. Đây còn là nơi bạn có thể lưu lại nơi đây bức hình lung linh. Ngoài ra bạn có cơ hội trãi nghiệm đổ bánh xèo khóm cùng người dân miền Tây rất hiếu khách. Thưởng thức nhiều món làm từ khóm như: dưa khóm, kẹo khóm, mứt, nước ép, rượu khóm…
Chùa Hang Châu Đốc
Chùa Hang cái tên thân thuộc mà người dân đặt cho một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Châu Đốc – An Giang đó là chùa Phước Điền. Chùa, tọa lạc trên triền núi Sam gần cụm di tích Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu. Du lịch An Giang, đến thăm chùa Hang bạn sẽ như đi qua cánh cửa mở ra một thế giới mới để trút bỏ mọi vấn vương bụi trần, hòa mình vào không an yên ả trong lành và êm dịu như chốn cổ tích.
Cánh đồng Tà Pạ – Chùa Tà Pạ
Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer. Sự trong lành, mát mẻ của không khí nơi đây, cùng với những hàng cây thốt nốt cao vút bao quanh cánh đồng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh đồng quê thật sinh động, mơ màng. Với vẻ đẹp say đắm lòng người của cánh đồng lúa Tà Pạ, chắc hẳn đây sẽ là điểm đến tuyệt vời trong hành trình du lịch An Giang của bạn.
Chùa Tà Pạ, người dân nơi đây còn gọi là Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) thuộc xã Núi Tô – huyện Tri Tôn. Chùa Tà Pạ được xây dựng trên ngọn đồi Tà Pạ, nằm ở độ cao 45 mét so với mặt đất, được bao quanh bởi rừng cây nên bầu không khí rất trong lành, thoáng đảng khiến cho du khách đến đây có cảm giác thư giãn và bình yên đến vô cùng. Nếu bạn nào đang tìm cho mình một chốn vừa yên tĩnh vừa có cảnh đẹp thì chùa Tà Pạ là điểm đến lý tưởng. Đặc biệt, nếu đứng vị trí ngôi chùa bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả một miền An Giang rộng lớn. Thấy được núi Cô Tô, núi Cấm hùng vĩ, thấy được những cánh đồng Tà Pạ trải dài bất tận.
Quần đảo Hải Tặc, Kiên Giang
Đảo Hải Tặc ở Kiên Giang được xem là một điểm đến lạ lùng ngay từ tên gọi. Thực chất đây là tên của một quần đảo gồm 16 hòn đảo mà lớn nhất là đảo Hòn Tre (Hòn Đốc), nằm ở xã Tiên Hải, huyện Hà Tiên. Nơi đây cách bờ biển Hà Tiên gần 28 km và đảo Phú Quốc 40 km. Đa phần diện tích đảo là cây rừng che phủ, nơi giáp với nước mặn là ghềnh đá trơ trọi và hoang sơ. Tại đây, ngoài việc được tìm hiểu và nghe những người bản địa kể lại những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ tên gọi của quần đảo Hải Tặc, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên với những vẻ đẹp hoang sơ, mát ngọt và trong lành.
Núi Cấm An Giang
Nổi bật trong dãy Thất Sơn của An Giang là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình. Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây.
Mang đậm bản sắc vùng quê sông nước, những hình ảnh hiện lên trong tâm trí bao người về vùng đất này là cọng lục bình, dòng phù sa mùa nước nổi, cánh đồng mạ non xanh mướt, đàn vịt chạy đồng chí chóe kêu la, cho đến từng ngọn dừa, bông hoa điên điển, những đàn cá rô đồng nối đuôi nhau lượn thiệt lẹ dưới con mương… Những ai từng đặt chân đến miền sông nước Tây Nam Bộ đều ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, không hề phô trương, hoa mỹ của cảnh vật và con người nơi đây.