Chuyển đổi số trong ngành F&B

Cùng với sự phát triển của công nghệ, xu hướng chuyển đổi số đã hiện diện ở mọi ngành nghề kinh doanh sản xuất. Trong bối cảnh chung của của toàn ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam (F&B), chuyển đổi số đã mang đến những sự đổi mới, thay đổi diện mạo ngành.

 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đã ghi dấu ấn bởi sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra sôi động với số lượng outlet F&B chạm mốc 540,000 đơn vị. Theo Vietnam Report 2018, ngành F&B hiện chiếm khoảng 15% tổng GDP, đồng thời chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35% mức chi tiêu). Các nghiên cứu của Statista - Cổng thông tin thống kê của Đức cũng dự đoán rằng, tổng doanh thu F&B Việt Nam sẽ không ngừng tăng và đạt 423 triệu USD trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Việt Nam với ẩm thực phong phú và dân số 97 triệu người được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho ngành F&B - một trong top các ngành thu hút sự quan tâm hàng đầu từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối mặt với đại dịch Covid-19, lối đi nào cho ngành F&B Việt Nam?

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến, các doanh nghiệp F&B đang trải qua những ngày tháng khó khăn bởi cú sốc kinh tế nặng nề. Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào trạng thái “ngủ đông” - tạm ngừng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh hay chỉ duy trì ở mức 20% hoạt động, giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng và nhân lực.

Trao đổi về tương lai sắp tới của ngành F&B, ông Lucas Trương cho rằng sẽ có 2 kịch bản chính: “Có khả năng ngành sẽ chạy theo biểu đồ hình chữ U, sau khi xuống dốc thì sẽ mất một thời gian để ổn định rồi mới tăng trưởng trở lại. Nhưng cũng có thể chúng ta lặp lại một kịch bản tương tự như Trung Quốc. F&B nhanh chóng hồi sinh và chứng kiến doanh thu nhảy vọt so với giai đoạn trước. Bị tù túng trong một khoảng thời gian quá dài, người dân ngay lập tức muốn đi ăn những món ăn yêu thích, muốn hẹn hò với bạn bè người thân…

Ông Lucas cho biết thêm, đại dịch này cũng đã cho các doanh nghiệp F&B một bài học đắt giá về định hướng, tầm nhìn và kế hoạch dài hạn trong kinh doanh sản xuất. Đây cũng là cơ hội để đánh giá lại và tối ưu chiến lược, chẳng hạn như chiến lược công nghệ. Xu hướng chuyển đổi số để hỗ trợ các doanh nghiệp F&B đang dần lên ngôi với các ứng dụng booking online (đặt hàng online), home delivery (giao hàng tại nhà) dành cho khách hàng và các ứng dụng quản trị & vận hành doanh nghiệp nội bộ.

Chuyển đổi số ngành F&B: Thách thức và cơ hội


Xu hướng công nghệ ngành F&B nở rộ những năm gần đây, được thể hiện rõ nét tại các doanh nghiệp có mô hình dạng chuỗi hoặc vốn đầu tư nước ngoài. Một số chuỗi nhà hàng đã dùng hệ thống gọi món tự động qua Tabletop, tương tác trực tiếp với khách hàng qua chatbot, thiết bị order cầm tay, hệ thống quản lý đặt bàn tại Opentable, Google booking… Bởi lẽ một phân khúc khách hàng chính của F&B chính là thế hệ gen Z - những “fan cứng” của trải nghiệm công nghệ.

Thế nhưng, doanh nghiệp thường chỉ chú ý đến công nghệ dành cho khách hàng mà bỏ qua bộ máy nội bộ. Một khảo sát của Temkin Group đã chỉ ra rằng những doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc tốt và gắn kết nhân viên sẽ cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Sự hài lòng của nhân sự và khách hàng là hai chỉ số tỷ lệ thuận, cần được phát triển song song. Doanh nghiệp cũng nên đầu tư công nghệ để hỗ trợ đội ngũ nhân sự làm việc hiệu quả hơn.

Một số bộ phận back office của chuỗi F&B như Kinh doanh, Marketing, Event… lại gặp khó khăn vì bài toán làm việc đội nhóm hay xử lý quy trình nội bộ khi những công cụ thủ công như giấy tờ, Email, Google Sheet không còn đáp ứng nổi khối lượng công việc khổng lồ. Những câu hỏi như ai đang làm việc gì, làm được bao nhiêu việc tiến độ chiến dịch truyền thông này ra sao, quy trình xử lý hợp đồng đến đâu rồi… chưa được giải đáp. Đối với những doanh nghiệp F&B vẫn cung cấp dịch vụ online mùa Covid-19, bộ phận back office khi làm việc từ xa sẽ còn vất vả hơn vì thiếu tính tương tác, khó theo dõi công việc...

Nhìn nhận ở một góc độ khác, những lỗ hổng trong quản trị và vận hành mang tới cơ hội cho chuyển đổi số. Các ứng dụng công nghệ sẽ là công cụ đắc lực cho doanh nghiệp F&B để hồi sinh và quay lại đường đua sau mùa dịch này, khi ngành F&B vẫn được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng bứt phá.

Hãy xác định công nghệ là vấn đề sống còn, nắm bắt thời điểm vàng để chuyển đổi số!

Để đạt được thành quả, các doanh nghiệp F&B sẽ phải vượt qua một số rào cản trên con đường chuyển đổi số. Ông Lucas Trương nhận định: “Có những doanh nghiệp cho rằng họ sẽ chỉ gặp hạn chế về nguồn đầu tư tài chính cho các ứng dụng công nghệ. Nhưng thực ra nhiều phần mềm tốt mà vẫn đưa ra chi phí rất hợp lý.

Tôi nghĩ rào cản lớn nhất nằm ở tư duy của con người, đặc biệt là ở người lãnh đạo. Chỉ khi người đứng đầu xác định công nghệ là vấn đề sống còn và truyền được quyết tâm đó cho nhân sự thì tỷ lệ thành công mới cao. Ở thời đại 4.0 đầy tính cạnh tranh này, nếu chúng ta không suy nghĩ cởi mở tiến bộ, khước từ những lợi ích từ công nghệ thì sẽ tụt hậu ngay. ”

Dẫu biết rằng chặng đường chuyển đổi số sẽ lắm chông gai nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ đối với vận hành và quản trị doanh nghiệp, được minh chứng bởi những câu chuyện từ những doanh nghiệp trong ngành F&B. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung ngành F&B vẫn sở hữu tiềm năng dồi dào, tăng trưởng mạnh mẽ những năm qua. Đây chính là thời điểm vàng để mỗi nhà quản lý nhìn nhận lại giá trị cốt lõi và các hoạt động của công ty mình, cân nhắc lựa chọn những ứng dụng phù hợp để chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại và đột phá của ngành F&B sau mùa dịch.